Hành trình của MASHAV đưa chúng tôi tới hàng loạt những địa danh lịch sử tại Israel” Cao nguyên Golan, nơi diễn ra các cuộc chiến ác liệt 6 ngày năm 1967, giúp Israel vẽ lại đường biên giới như hiện nay; dòng sông Jordan, nơi chúa Jesus lần đầu được rửa tội, Jerusalem, Tel Aviv. Các bạn đang đi trên chính con đường mà khoảng 1.000 năm trước, những đoàn quân Thập tự chinh đã đi qua để chinh phục Jerusalem, Yehoshua thuyết minh khi chúng tôi bắt đầu tới miền đất thánh của các vị thánh.
Thành phố Jerusalem toạ lạc trên một đỉnh núi. Về đêm, khi nhìn từ dưới chân núi, Jerusalem lung linh ánh đèn như toả ra một vầng hào quan của ánh sáng - huyền ảo như những giá trị tôn giáo linh thiêng mà nó đang bao bọc. Người Israel luôn tự hào bởi là đất nước có nhiều di tích, bảo tàng và nhà thờ nhất trên thế giới. Ba trong số những di tích nổi tiếng nhất tại Jerusalem là đỉnh Olives (Mount of Olives), bức tường than khóc (Wailing wall) và nhà thờ Holy Seplucher được cho là nơi chúa Jesus được chôn cất và hồi sinh.
Đỉnh Olives nằm tại khu vực phía đông của Jerusalem. Trong thời kỳ thịnh vượng của người Do thái cổ - dưới sự cai trị của vua David và Solomon - đỉnh Olives là khu vực linh thiêng, nơi các giáo sĩ cúng tế. Đây cũng là nơi chúa Jesus đã cầu nguyện lần cuối, trước khi bị tông đồ Jadah giao nộp cho người La Mã. Từ trên đỉnh Olives, có thể phóng tầm mắt bao quát khu thành cổ Jerusalem trùng điệp trong kiến trúc mái vòm của nhà thờ Hồi giáo, mái chóp nhọn của nhà thờ Thiên Chúa giáo, Tin lành, giáo hội chính thống Orthodox. Chính vì vậy, đỉnh Olives thường là nơi đầu tiên những người hành hương về Jerusalem đặt chân tới. Theo lời Yehoshua, mỗi ngày có tới hàng nghìn du khách từ khắp nơi trên thế giới đổ về Jerusalem. Vào thời điểm nền du lịch Israel khởi sắc nhất năm 2000, con số đó lên tới hàng chục nghìn người. Bức tường Than khóc (còn gọi là "Bức tường phía Tây”) là nơi linh thiêng nhất của tín đồ Do thái bức tường còn sót lại sau khi ngôi đền linh thiêng thứ 2 của người Do thái bị phá huỷ vào năm 70. Kể từ đó, người Do thái bị buộc phải sống lưu đày và cấm vào Jerusalem cho mãi tới thời kỳ Byzantine vào thế kỷ 15. Khi đó, mỗi năm, người Do thái được phép vào khu vực bức tường một lần, và khóc cho số phận đau đớn của ngôi đền cũng như của dân tộc mình.
Theo quy định tại Israel, nữ và nam được chia làm hai đoàn với lối vào tách biệt tại những khu vực linh thiêng. Tiếng rì rầm nổi lên mỗi lúc một rõ dần, khi tôi tiến đến gần hơn tới khu vực bức tường than khóc. Những người phụ nữ Do thái đang gục đầu cầu nguyện bên bức tường. Một số cụ già vừa đọc kinh, vừa lau nước mắt. Những mẩu giấy nhỏ, ghi tâm nguyện cá nhân hay thư gửi tới chúa, được cài dày đặc trong các khe hở của bức tường. Nhà thờ Holy Sepulcher nằm cách đó không xa. Người Thiên chúa giáo, đặc biệt là các tín đồ Cơ đốc và Chính thống Hy Lạp, tin rằng đây là nơi chúa Jesus đã bị đóng đinh trên cây thập tự và được chôn cất. Không có một tấm biển nào yêu cầu đi nhẹ, nói khẽ, nhưng không khí linh thiêng bao trùm khiến tất cả các du khách, kể cả những người không theo đạo như tôi, trở nên yên lặng, thành kính.
Trong nhà thờ còn lưu giữ phiến đá được cho là nơi Thánh Joseph đã đặt thi hài chúa Jesus trước khi khâm liệm. Theo năm tháng, phiến đá lạnh lẽo giờ đây toả ngát mùi hoa hồng do các tín đồ Thiên Chúa thường mang theo nước hoa rải trên đó. Một số đồng nghiệp theo đạo trong đoàn, lấy khăn tay trải trên tảng đá để có thể lưu lại mùi hương của chúa. Chuyến thăm của đoàn phóng viên quốc tế tới cao nguyên Golan diễn ra vào một ngày trời nắng đẹp, sau một tuần mưa gió rét. Cao nguyên Golan rực rỡ dưới ánh nắng, màu xanh bất tận của cây cỏ, những cánh đồng ôliu và những thảm hoa vàng rực. Không còn tiếng bom đạn, không còn dấu tích của chiến tranh, ngoại trừ một số hàng rào thép gai còn sót lại. Thật khó có thể tưởng tượng khung cảnh thanh bình tuyệt đẹp kia lại đã từng là trận địa ác liệt của cuộc chiến 6 ngày năm 1967 giữa Israel và các nước láng giềng Arab.
Cao nguyên Golan là khu vực chiến lược đối với Israel, không phải vì vị thế quân sự, mà bởi nó nằm giữ nguồn cung cấp tới 30% nhu cầu về nước cho người dân nước này. Quá khứ chiến tranh tại nơi đây dẫu sao cũng đã qua, và điều quan trọng là chúng tôi đang được ngắm vẻ đẹp của cao nguyên Golan trong hoà bình. Khi đã trở về Việt Nam, tôi chợt nhói đau khi biết tin thành phố Tel Aviv lại có vụ đánh bom cảm tử, làm 9 người chết, hôm 18.4. Vậy là, vòng xoáy bạo lực đánh bom cảm tử - pháo kích trả đũa vẫn tiếp tục lan tràn tại Trung Đông. Những ngày sống tại Haifa, được bao bọc trong khung cảnh thanh bình, tôi như quên mất rằng rất gần kia thôi là điểm nóng chiến sự Trung Đông – nơi có những người dân chưa biết đến hoà bình. Tôi có nhiều cơ hội để hiểu hơn về cuộc sống, văn hoá và con người Israel, nhưng lại lãng quên đi những chiếc “gai xương rồng” đang nhổ bỏ vẫn còn tồn tại…